Trong sử dụng và kinh doanh mặt hàng này, nhất là những kho Gas, cửa hàng Gas nằm xen lẫn trong khu dân cư luôn tiềm ẩn cháy, nổ khôn lường nếu lơ là, chủ quan sẽ dễ xảy ra cháy… như vụ cháy tại Cửa hàng Gas số 244 đường Thạch Sơn, tổ hai, phường SaPa, thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai vào sáng nay 11/8/2021.
Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến những người có mặt và cộng đồng mạng hoảng hốt, khiếp sợ với các tiếng nổ và cột lửa cao phun tứ phía do lượng Gas xì ra, Cảnh sát PCCC&CNCH đã dập tắt đám cháy ngay sau đó.
Qua vụ cháy trên, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP. Hồ Chí Minh một lần nữa khuyến cáo và hướng dẫn các giải pháp an toàn PCCC cho việc sử dụng và kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng như sau:
1. Đối với cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)
Kinh doanh Gas là một trong những hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ trước khi đưa vào hoạt động. Theo quy định Cửa hàng Gas phải được thiết kế tuân theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn sau:
- QCVN 06:2021/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
- TCVN 6223-2017: Cửa hàng khí đốt hóa lỏng - Yêu cầu chung về an toàn.
- TCVN 2622 - 1995: Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế.
* Cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng thiết kế đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tổng lượng khí dầu mỏ hóa lỏng (khí Gas) tại cửa hàng không lớn hơn 1000kg, độ cao xếp chồng chai Gas cao không quá 1,5m; Tổng diện tích mặt bằng tối thiểu là 25 m2, diện tích phòng bày bán tối thiểu là 12m2, có lối thoát nạn dự phòng; Diện tích sắp đặt, tồn chứa chai Gas phải thông thoáng, đảm bảo bất kỳ rò rỉ khí dầu mỏ hóa lỏng nào cũng không có khả năng gây cháy; Cửa hàng được xây bằng gạch có bậc chịu lửa II, nền nhà bằng phẳng, cao hơn mặt bằng xung quanh, không được bố trí đường ống, cống thoát nước tại nền khu vực chứa hàng; Mặt tường nhà bằng phẳng, nhẵn, không có khe hở, vết nứt, vết lồi lõm, sơn hoặc quét vôi màu sáng; Cửa ra vào bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút; Cửa hàng phải có thông gió trong trường hợp có sự rò rỉ Gas; Thiết bị chiếu sáng bảo đảm về an toàn cháy nổ; Cửa hàng phải có hệ thống chiếu sáng sự cố; Các thiết bị dùng điện tại khu vực chứa hàng là loại phòng nổ. Toàn bộ thiết bị điện trong tủ điện phải được khống chế chung bằng thiết bị đóng ngắt điện theo quy định tại Điều 6.1, TCVN 6223:2017.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện về PCCC như: 02 bình chữa cháy bằng CO2 loại 5kg, 02 bình chữa cháy bằng bột khô loại 8kg, các bình chữa cháy được bố trí gần cửa ra vào thuận tiện để lấy và sử dụng; 02 bao tải gai hoặc chăn chiên; người kinh doanh mặt hàng này phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC…
* Các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ tại cửa hàng kinh doanh Gas:
- Sang chiết Gas trái phép, sử dụng nguồn nhiệt, hệ thống điện không đảm bảo tại các kho chứa, thắp hương thờ cúng trong khu vực cửa hàng kinh doanh, vỏ bình Gas kém chất lượng…
- Trong đó, hoạt động sang chiết Gas trái phép từ bình 45kg, 12kg sang các bình Gas mini không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng là nguy cơ gây cháy, nổ rất cao ở hầu hết các vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh Gas.
* Khuyến cáo an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh Gas:
- Duy trì thường xuyên các điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình hoạt động;
- Khắc phục những tồn tại, thiếu sót các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC.
- Kiểm tra bảo quản bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ;
2. Đối với Hộ gia đình:
* Nguyên nhân gây cháy nổ khi sử dụng Gas tại hộ gia đình.
Dây dẫn Gas bị hở: do dây kém chất lượng, quá cũ hoặc bị chuột cắn… mà không được kiểm tra và thay thế.
- Bếp bị tắt lửa: do gió tạt, tràn dầu hay thức ăn làm bếp bị tắt lửa, khí gas không cháy và bị rò ra ngoài.
- Thay lắp bình Gas và thiết bị không đúng cách: khi thay bình Gas, van hay dây dẫn không đúng cách vô tình tạo ra những khe hở hoặc gây sự cố khi vận hành các thiết bị.
- Bình Gas quá cũ, không đạt tiêu chuẩn: các đại lý, cơ sở chiết Gas “không phép” thường sử dụng các bình Gas kém chất lượng, bình gas sử dụng lâu năm khiến vỏ bình hư hỏng, đầu khóa van bị hở,…
* Khuyến cáo an toàn PCCC khi sử dụng Gas tại hộ gia đình.
1. Thường xuyên kiểm tra dây dẫn Gas, các đầu mối nối, tránh để dây Gas bị xoắn, gập hoặc gần các thiết bị tỏa nhiệt làm giảm tuổi thọ của dây.
2. Lựa chọn cơ sở uy tín cung cấp bình Gas, van và dây dẫn đảm bảo tiêu chuẩn.
3. Khi thay bình Gas, van hay dây dẫn… phải yêu cầu nhân viên kỹ thuật kiểm tra kỹ tình trạng thiết bị sau khi thay thế.
4. Bếp Gas đặt trên nền bằng vật liệu không cháy (gạch, đá…) cách tường ít nhất 15 cm.
5. Bếp Gas đặt cách bình Gas tối thiểu 01 mét, nếu không thực hiện được thì giữa bếp và bình nên có tường ngăn cách. Ống dẫn Gas không nên để dài quá 02 mét. Tuyệt đối không sử dụng loại ống nhựa hoặc cao su thông thường làm ống dẫn Gas vì dễ bị ăn mòn dẫn đến hư hỏng. Thường xuyên kiểm tra và thay ống dẫn Gas định kỳ theo quy định của nhà sản xuất.
6. Nếu sử dụng bình Gas mini thì phải chọn bình mới còn tem, niêm phong có xuất xứ rõ ràng, không dùng bình Gas mini san chiết lại, bình cũ đã rỉ sét, bị biến dạng.
7. Phải quan sát và ở gần bếp suốt quá trình đun nấu để kịp thời xử lý.
8. Trước khi ra khỏi nhà hay đi ngủ cần kiểm tra xem đã khóa chặt van bình Gas chưa? Khi tắt bếp, nên khóa van bình Gas trước sau đó mới khóa van bếp, tránh trường hợp chỉ khóa van bếp mà quên khóa van bình Gas.
9. Mỗi hộ gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay để chủ động ứng phó khi có cháy xảy ra.
* Cách xử lý khi phát hiện rò rỉ gas (có mùi gas):
- Báo ngay mọi người xung quanh có sự cố rò rỉ Gas.
- Không bật/tắt các công tắc điện, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa điện.
- Ngắt nguồn gây rò rỉ Gas: Khóa van bình gas, đóng van trên đường ống.
- Mở thoáng cửa ra vào, để tạo đối lưu không khí, dùng các dụng cụ thủ công như quạt nan, bìa cứng để đẩy khí Gas thoát ra ngoài.
- Đồng thời báo kỹ thuật Gas đến xử lý hoặc gọi báo cháy cho Tổng đài 114 hoặc thông qua ứng dụng HELP 114.
Nguồn: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA TP.HCM